Quan Tri huyện
Chương 259
Kho lương của nha môn nằm ở viện tử đơn độc, trước khi vào kho có một dãy nhà trệt, đây chính là nơi làm việc của ti lương và các tạo đãi phụ trách canh phòng, bốn phía địa thế trống trải, không có bất kỳ cây cối nào đề phòng hỏa hoạn, những chiếc chum nước lớn bố trí không ít.
Lãnh Nghệ tới cửa thấy đại môn khóa chặt, nhìn ra sau một cái, lập tức có người lên đập cửa.
Mãi lâu sau mới có một tên tạo đãi che ô đi ra, thái độ cáu kỉnh gắt gỏng, vừa thấy Lãnh Nghệ một cái vội đổi ngay sang nụ cười nịnh nọt.
Lãnh Nghệ hỏi: “Ti lương của các ngươi đâu?”
“Dạ, dạ, ngài ấy có việc phải về nhà.” Tạo đãi ấp úng: ” Hay, hay tiểu nhân phái người đi gọi?”
“Còn không mau đi đi, ở đó rề rà.” Phó tòng đi theo Lãnh Nghệ quát:
Tên tạo đãi kia chạy vội về phòng gọi những người khác, cả đám rối rít ra nghênh tiếp, bốn năm cái ô giương lên che trên đầu Lãnh Nghệ.
“Mang chìa khóa kho lương tới đây, bản quan muốn xem.”
Một trong số chức trách của thông phán là quản lý tiền lương, thị sát kho lương là thực hiện chức trách của mình. Lập tức có tạo đãi đi lấy cả xâu chìa khóa tới, chìa khóa bằng đồng, cái nào cũng dài ngót nghét gang tay.
Cửa kho lương trên cùng mở ra, Lãnh Nghệ bước vào, trống không, đến một hạt lương thực cũng chẳng có. Lãnh Nghệ không nói gì cả, lại sai lần lượt mở các kho lương khác. Kết quả đại bộ phần là trống, chỉ có số ít có lương thực, chẳng được là bao.
Lúc này ti lương thở hồng hộc chạy tới, tóc tai ướt nhẹp, khom người thi lễ: “Tiểu nhân tham kiếm thông phán đại lão gia.”
Lãnh Nghệ thần sắc như thường, y sớm biết đặc tính quan trường Ba Châu rồi, Liêu tri phủ lười, cho nên đám người dưới cũng làm việc rất vớ vẩn, chỉ dãy khó lương hỏi: “Tại sao gần như đều bỏ trống?”
Ti lương cười nịnh: “Bẩm đại lão gia, còn chưa thu hoạch vụ thu ạ, đợi thu rồi là sẽ đầy kho.”
“Đầy rồi thì sao?”
“Dạ, vận chuyển lên triều đình ạ.”
“Té ra kho lương ở chỗ chúng ta chỉ là trạm trung chuyển tạm thời à?” Lãnh Nghệ cau mày:
Ti lương vâng vâng dạ dạ, không dám bình luận chuyện triều chính.
Chế độ kho lương triều Tống về tổng thể rất hoàn bị, nhưng do vừa lập quốc chưa lâu, phương diện này chưa triển khai. Trung Quốc từ rất sớm đã có chế độ kho thường bình, nhưng sau thời Đường, cả nước chia năm xẻ bảy, không có chính quyền thống nhất, thêm vào chiến loạn liên miên, lương thực không đủ ăn nói gì tới cái khác. Những năm đầu thời Tống, chiến tranh vẫn chưa lúc nào dừng hẳn, cho nên phải tới những năm Thuận Hóa thời Tống Thái Tông, tức là sau thời điểm hiện tại tận 15 năm mới bắt đầu ở kinh thành, lại thêm 15 năm nữa mới phổ biến toàn quốc. Vì vậy Lãnh Nghệ không biết chuyện mình làm ở huyện Âm Lăng là sớm mấy chục năm.
Ngoài ra triều Tống còn có một chế độ kho lương khác là kho Quảng Huệ, tức là triêu mộ nông hộ cho thuê ruộng đất không người cày cấy, lương thực thu được cho vào khó lương, dùng để nuôi người già suy yếu không ai phụng dưỡng và cô nhi. Mà chế độ này cũng phải đợi tám mươi năm nữa mới thực thi.
Hiện giờ hai chế độ kho lương quan trọng nhất của triều Tống đều chưa kiến lập. Kho lương nha môn tác dụng chủ yếu là lưu trữ thuế ruộng nộp lên. Ngoài ra dùng cất giữ lương thực cứu tế do triều đình cung cấp.
Còn lương thực các nơi nộp lên được triều đình phản hồi theo tỉ lệ nhất định để địa phương chi dùng. Số lượng có hạn.
Lãnh Nghệ tất nhiên không biết chi tiết mấy chuyện này, hỏi: “Ngươi làm ti lương bao năm rồi?”
Ti lương khom người đáp: “Sắp 20 năm rồi ạ.”
“Vậy Ba Châu chúng ta có nhiều thiên tai không?”
“Có ạ, ba năm một đợt nhỏ, năm năm đợt lớn, nào lũ, nào hạn, ôn dịch, cái gì cũng trải qua rồi ạ, chỉ là không đáng kể.”
“Vậy theo kinh nghiệm của ngươi, chút lương thực này của nha môn đủ dùng không?” Lãnh Nghệ tiếp tục hỏi:
“Đủ, nhưng đủ nhét kẽ răng.” Ti lương định nói đùa một câu, nhưng nhìn mặt Lãnh Nghệ đanh lại vội vàng cúi đầu:
“Vậy thường mất bao lâu thì lương thực cứu tế của triều đình mới tới?”
“Nhanh thì ba tháng, chậm thì nửa năm ạ.”
Thế thì không biết bao nhiêu người đã chết rồi, Lãnh Nghệ thở dài không nói gì thêm, quay lại kiệu, tới bên Ba Hà.
Ba Hà là một con sông khá ôn hòa, bởi thế nó mới thành đường giao thông thủy vận trọng yếu của cả vùng. Nhưng năm nay tình hình không giống nữa, mưa lớn liên tục, nước sông lên cao, đê sông ở chỗ đất trũng đã có nguy hiểm tràn đê rồi.
Lãnh Nghệ sai kiệu phu đi men theo bờ đê, đến một đoạn sông uốn cong, nước siết hơn nơi khác y liền dừng kiệu đi xuống. Hai bên bờ sông liên tục có sóng vỗ vào, nước hắt lên đê, đục ngầu. Lãnh Nghệ nói với tạo đãi đi theo: “Đê thấp quá, thế này một trận mưa lớn nữa thôi là nước tràn đê vào thành, trước kia lũ lên phải làm sao?”
Một tạo đãi già cười nói: “Đại lão gia, trước giờ nước Ba Hà cao nhất cũng chỉ tới đây thôi, không lên được nữa đâu, chẳng thể ngập vào thành.”
“Sao lại không?” Lãnh Nghệ chỉ mực nước: ” Các ngươi không nhìn mà xem, mực nước giờ đã cao hơn địa thế trong thành. Cả Ba Châu này địa hình bằng phẳng, nếu nước tràn đê, vậy thì toàn thành sẽ bị nhấn chìm.”
Cả đám tạo đãi đi theo vâng vâng dạ dạ, nhưng thần sắc rõ ràng chỉ vì không dám cãi lại y mà thôi, chẳng phải tán đồng.
Chẳng lẽ không ai ý thức được nguy hiểm này sao? Lãnh Nghệ thấy thái độ thờ ơ của đám tạo đãi càng thêm nóng ruột, quay về nhà môn, lần này tới thẳng thiêm áp phòng của Liêu tri phủ.
Liêu tri phủ đang vừa thong thả uống trà vừa phê duyệt công văn, thấy Lãnh Nghệ đi vào thì gật đầu với y, tiếp tục xem công văn, bảo ông ta lười là ông ta chỉ muốn duy trì hiện trạng không thích phát sinh thêm chuyện phiền hà thôi, chứ công việc bình thường thì ông ta không bỏ bê. Ở mức độ nào đó mà nói, Liêu tri phủ thực sự là vị quan tốt lắm rồi.
Đợi phê duyệt xong văn thư Liêu tri phủ mới đặt bút lông xuống: “Tra án thế nào rồi?”
Lãnh Nghệ chắp tay: “Đã có manh mối, ti chức đang cho tích cực điều tra ạ.”
“Ừ, triều đình kỳ vọng lớn vào ngươi, chớ cô phụ.” Liêu tri phủ nói vài câu thể hiện quan tâm lẫn uy quyền rồi hỏi: ” Có chuyện gì thế?”